Tiết dạy của thầy Võ Minh Nghĩa. Ảnh: MA Tuy nhiên, theo các thầy, cô giáo, những thông tin trên không có cơ sở, thí sinh không vì thế mà lo lắng, ảnh hưởng đến tâm lý thi cử.
Hạn chế lướt web
Sáng 27/6, hơn 1 triệu thí sinh làm bài Ngữ văn, môn thi đầu tiên của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Trước giờ “G”, nhiều người đã lên các mạng xã hội để tham khảo dự đoán về đề thi Ngữ văn. Gần đây nhất, ngày 25/6, tài khoản Facebook C.V.S. chia sẻ dòng trạng thái: “Có những người dù đã tốt nghiệp THPT nhiều năm vẫn hóng đề thi môn Văn, như thường lệ trước kỳ thi một ngày, tôi sẽ cùng mọi người cùng nhau đoán đề nhé. Năm nay chắc chắn là tác phẩm thơ…”. Chỉ trong vòng 15 tiếng đồng hồ, đã có gần 2 nghìn bình luận đoán đề môn thi đầu tiên của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Trong đó nhiều ý kiến dự đoán sẽ ra bài “Tây Tiến”, “Việt Bắc”, “Đất Nước”...
“Để làm tốt tất cả câu hỏi ở bài thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử, thí sinh nên đọc câu hỏi, tìm và gạch chân từ khóa xác định yêu cầu đề; rà soát các phương án trả lời, vận dụng kiến thức đã học để tìm ra đáp án đúng. Quan trọng nhất là các em phải đọc kỹ đề bài và đáp án để tìm từ khóa và tránh nhầm lẫn, làm chắc ở đâu tô đáp án ở đó để tránh bỏ sót đáng tiếc. Câu dễ làm trước câu khó làm sau, phân chia thời gian hợp lý để hoàn thành tốt môn thi Lịch sử”, cô Trương Thị Thu Trang - giáo viên Lịch sử, Trường THPT Sơn Trà (TP Đà Nẵng) nhắn nhủ.
Trong khi đó, tại nhóm Facebook “2K6 quyết tâm đỗ đại học”, một thành viên liệt kê các tác phẩm của đề thi Ngữ văn trong những năm gần đây và khuyên thí sinh tập trung ôn 3 tác phẩm: “Đất Nước”, “Người lái đò Sông Đà”, “Vợ chồng A Phủ”. Dưới phần bình luận nhiều ý kiến đồng tình cho rằng, các dự đoán này có căn cứ khi dựa vào tần suất xuất hiện của tác phẩm. Theo đó, tác phẩm văn học nào đã lâu không xuất hiện thì phần trăm được chọn ra đề sẽ cao. Ngược lại, tác phẩm nào vừa được ra đề năm trước, năm nay sẽ không được chọn.
Nhiều giáo viên đã lên tiếng cảnh báo thí sinh không nên nghe theo dự đoán trên mạng. Cô Nguyễn Thị Tuyết Lan - giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Bình Phú (TPHCM) nhấn mạnh, học sinh không nên “học tủ” vì bất cứ lý do gì, bởi việc “học tủ” tạo tâm lý hồi hộp, mất tự tin vì lo sợ đoán không trúng. Còn nếu “trúng tủ” thí sinh sẽ làm bài với tâm lý không thoải mái. “Thầy cô là người nắm vững kiến thức, chương trình và có kinh nghiệm nên học sinh cần ôn tập theo hướng dẫn. Không nên dành thời gian nghe ngóng, đọc bình luận trên các trang mạng xã hội, rồi đoán đề, vì như vậy mất thời gian, gây tâm lý hoang mang. Các em nên hiểu, muốn thành công đừng trông chờ vào may mắn mà phải nỗ lực cố gắng; hãy tin rằng mọi sự cố gắng sẽ được công nhận”, cô Lan chia sẻ.
Tương tự, thầy Võ Minh Nghĩa - giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Du (TPHCM) cho rằng: “Trước ngày thi, thí sinh cần bình tĩnh. Bởi thực tế cho thấy nhớ “tủ” đúng bài nhưng “lệch ngăn” thì cũng như không. Các em học theo phương châm bài nào sợ nhất thì càng phải ôn kỹ nhất để không còn sợ. Không tạo cho mình vùng cấm để rồi lo lắng bất an”.
Cũng trong ngày 25/6, trong một số nhóm, diễn đàn trên mạng Internet có chia sẻ, lan truyền thông tin sai sự thật về việc lộ đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Sau khi tiếp nhận phản ánh về sự việc trên, Bộ GD&ĐT đã trao đổi, đề nghị Bộ Công an hỗ trợ xác minh đối tượng đăng thông tin sai sự thật.
Để tránh gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến tâm lý của các thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ GD&ĐT đề nghị người dân không chia sẻ những thông tin sai sự thật nêu trên. Các hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, giả mạo, xuyên tạc sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) tự tin bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Chấp nhận khả năng và kết quả bài thi
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng thi theo Chương trình GDPT 2006. Nhiều thí sinh cảm thấy căng thẳng với áp lực tâm lý đây là cơ hội cuối. Tuy nhiên, để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi, thí sinh cần chú ý việc nghỉ ngơi, giữ vững tâm lý.
Theo thầy Võ Minh Nghĩa, với các phương thức xét tuyển như hiện nay, nhiều thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển 1 - 2 trường đại học. Do đó, với Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều em có tâm lý thoải mái, tự tin vì chỉ cần đủ điểm tốt nghiệp là được. Tuy nhiên, các em cũng không được chủ quan. “Để đạt được kết quả tốt nhất thì tâm lý tự tin là yếu tố tiên quyết để các em thành công. Thí sinh nên nghỉ ngơi thư giãn để bước vào kỳ thi với tâm thế tự tin, nhẹ nhàng nhất và cảm xúc về môn Ngữ văn sẽ đến”, thầy Nghĩa chia sẻ.
ThS Võ Minh Thành - Khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm TPHCM khuyên trước mỗi kỳ thi, thí sinh hãy luôn giữ vững sự tự tin. Thay vì lo lắng kết quả thi, nên tập trung vào quá trình ôn tập, kết quả đến đâu thì chấp nhận đến đó bởi bản thân đã cố gắng hết sức, hãy hài lòng với khả năng hiện tại. Có nhiều cách xét tuyển để lựa chọn ngành học vào các trường cao đẳng, đại học. Mỗi người, mỗi năng lực khác nhau sẽ có những con đường đi phù hợp.
“Đặc biệt, các thí sinh cần lên chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý để có tâm lý thoải mái. Hạn chế sử dụng các thiết bị công nghệ hoặc lướt mạng xã hội ít nhất 30 phút trước khi ngủ. Vào phòng thi, trước khi phát đề thi, thí sinh nên giao tiếp thân thiện bằng nụ cười thật tươi với người xung quanh để tạo tâm lý thoải mái trước khi làm bài thi. Thi xong nên hạn chế xem đáp án bài thi trước để tránh lo lắng, tiếc nuối vì đã làm sai ở một số câu nào đó. Điều này sẽ làm các em mất tinh thần, có thể ảnh hưởng không tốt đến việc làm bài thi tiếp theo”, ThS Thành nhấn mạnh.
Ở góc độ chuyên môn, ThS Nguyễn Phước Bảo Khôi - Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TPHCM lưu ý: “Khi nhận đề thi Ngữ văn, thí sinh cần đọc kỹ câu nghị luận văn học để xác định các luận điểm cần triển khai. 10 phút sau khi nhận đề, trước lúc chính thức viết bài, các em cần nghĩ trước kết - mở bài, lập dàn ý sơ lược, ghi ra những từ khóa phần nhận xét ngắn của câu nghị luận văn học. Sau đó, thí sinh dành 20 - 25 phút để làm câu đọc hiểu văn bản, 20 phút làm câu nghị luận xã hội và 50 - 55 phút làm câu nghị luận văn học. Thời gian còn lại, các em cần đọc lại bài làm, gạch bỏ từ ngữ, thông tin chưa chính xác”.
Với môn Sinh học, cô Nguyễn Thị Cúc - Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội) lưu ý: Cấu trúc đề thi gồm 40 câu hỏi, trong đó 4 câu thuộc phạm vi kiến thức lớp 11, còn lại đa số thuộc nội dung chương trình lớp 12.
Theo cô Cúc, ngay sau khi nhận giấy nháp từ giám thị, thí sinh có vài phút chờ phát đề. Thời gian này, các em có thể ghi ra nháp những công thức tính nhanh, tránh đến lúc đọc đề tâm lý hoang mang nên dễ bị quên. Các em cần đọc và làm thật chắc 30 câu đầu của đề thi vì đề thi những năm gần đây có sự phân hóa mức độ rất rõ. Những thí sinh thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp chỉ cần chú trọng ôn kiến thức cơ bản, dành thời gian làm tốt 25 đến 30 câu đầu.
Với học sinh sử dụng kết quả thi môn Sinh học để xét tuyển các trường đại học, ngoài làm chắc 30 câu đầu còn tập trung làm đúng ở 10 câu vận dụng, vận dụng cao còn lại. “Khi đọc đề thi, thí sinh chú ý những từ khóa, từ in đậm, từ dễ bị gây nhiễu. Đặc biệt gần đây đề thi xuất hiện những câu hỏi dạng phủ định, nếu không tinh ý các em rất dễ làm nhầm. Với các dạng bài tập quy luật di truyền liên quan đến giới tính, những loài có dấu hiệu đặc biệt (hoán vị chỉ xảy ra ở 1 bên đực hoặc cái…), học sinh cần chú thích rõ ngay đầu câu hỏi tránh làm lại”, cô Nguyễn Thị Cúc nhấn mạnh.
Em N.T.K.C - học sinh trường THPT trên địa bàn Quận 5 (TPHCM) chia sẻ: “Em không học tủ và đã ôn hết các tác phẩm. Với em việc dự đoán đề chỉ để tham khảo, giải tỏa áp lực ôn thi và giúp bản thân chú trọng hơn tác phẩm đó chứ không đồng nghĩa việc không ôn những tác phẩm còn lại. Hiện, tâm lý của em khá thoải mái, em quyết tâm làm bài thật tốt để đỗ vào Trường Đại học Sư phạm TPHCM”.